Pep Guardiola không ngừng đổi mới, sáng tạo. Đôi khi những thử nghiệm của ông thất bại, nhưng có một điều cần nhớ là nếu không thử nghiệm, bạn không bao giờ phát triển.
Năm 2012, Pep Guardiola tới New York để nghỉ ngơi trong 1 năm. Sau 4 mùa giải huấn luyện và giành 14 danh hiệu cùng đội bóng đá Barcelona, chiến lược gia người Catalunya trở thành nhân vật được ngưỡng mộ nhất trong giới cầm quân. Song, ông cần những ý tưởng mới. Ông đã tóm được chúng ở New York thông qua: dự các lớp về kinh tế ở Đại học Columbia, suy nghĩ về chiến thắng của ông Barack Obama trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trò chuyện cùng đạo diễn Woody Allen và kỳ thủ Garry Kasparov. Guardiola “bóng đá hóa” mọi thứ ông học được, áp dụng những kiến thức mà ông thu nạp được vào lĩnh vực của mình.
Trong một bữa tối, Kasparov bảo Guardiola rằng: “Thời điểm tôi giành chức vô địch thế giới thứ hai vào năm 1986, tôi đã biết người sau cùng sẽ đánh bại mình”.
“Ai vậy?”, Guardiola hỏi. Kasparov trả lời ngắn gọn: “Thời gian”.
Thời gian hủy diệt mọi thứ rất nhanh, đặc biệt trong bóng đá. Các HLV giỏi liên tục rơi vào tình trạng trở nên lỗi thời. “Bóng đá là một cuộc tiến hóa”, Guardiola đã chia sẻ như vậy với nhà văn Martí Perarnau. Duy chỉ có ông là liên tục cập nhật, làm mới bản thân. Tuần qua, Guardiola đã giành chức vô địch Premier League cùng Manchester City, chức vô địch quốc gia thứ 9 của ông ở 3 quốc gia trong 12 mùa giải theo nghiệp huấn luyện. Ngày 29 tháng 5 tới, Man City sẽ gặp Chelsea ở chung kết Champions League. Làm cách nào Guardiola đã và vẫn là một HLV hàng đầu của thế giới bóng đá?

50 năm trước, Guardiola chào đời tại Santpedor, một ngôi làng tại Catalunya mà nhiều người dân địa phương đã nói thứ ngôn ngữ bị chính quyền thời đó cấm. Khi còn là cậu thiếu niên ở lò đào tạo trẻ của Barcelona, ông đã được HLV trưởng Johan Cruyff, nhà sáng tạo của bóng đá thế kỷ 21, phát hiện. Guardiola gầy gò, chậm và không biết xoạc bóng, song Cruyff đưa Guardiola lên đội một đơn giản vì ông biết đọc trận đấu. Cầu thủ chậm nhất lại chính là người luân chuyển bóng nhanh nhất.
“Tôi chẳng biết gì về bóng đá cho đến khi gặp Cruyff”, Guardiola sau này thừa nhận như vậy. Tại Barca, ông đã tiếp thu các nguyên tắc của thứ chủ nghĩa mà Cruyff theo đuổi trong bóng đá: những đường chuyền chéo một chạm ở sân nhà, đoạt lại bóng ngay khi để mất, tạo không gian hoặc thu hẹp nó, và kiên định với những ý tưởng của mình.