Pep Guardiola: Thiên tài hay kẻ điên tại thành phố Manchester P2

Con người hiếm khi chấp nhận hay hài lòng với thất bại, nhất là với những nhà cầm quân khả kính và mang trong mình ADN chiến thắng như Alex Ferguson. Vị chiến lược gia huyền thoại của Man United phải cân nhắc từng câu, từng chữ để khen ngợi đối thủ, vì đó là sĩ diện của bản thân lẫn đội bóng. Chỉ một lần duy nhất ông buông thả. Đó là sau trận chung kết Champions League 2011.

Ferguson nói Barcelona vừa đánh bại Man United của ông là đội bóng xuất sắc nhất ông từng đối mặt. Ông hoàn toàn bị mê hoặc bởi những họa tiết được thêu dệt nên bởi Andres Iniesta, Xavi Hernandez, Lionel Messi và các đồng đội. Barca là số một tuyệt đối. “Chưa đội bóng nào”, Ferguson nhấn mạnh: “Khiến chúng tôi phải đi tìm chỗ trốn vì quá mạnh như vậy”.

Chung kết 2011 không phải lần đầu Man United đại bại trước Barca. 2 năm trước, với vị thế ĐKVĐ, với Cristiano Ronaldo trong đội hình, với lực lượng được đánh giá hùng mạnh nhất suốt triều đại Sir Alex, Man United vẫn để thua Barca trong trận chung kết Champions League. Đó là hai lần giành cúp tai voi của gã khổng lồ xứ Catalonia trong triều đại Pep Guardiola, giai đoạn đội chủ sân Camp Nou thống trị bóng đá châu Âu bằng thứ bóng đá bật nhả ma mị được gọi là tiki-taka.

Pep Guardiola tuyên bố trở lại Barcelona

Sự xuất hiện của Barca dưới bàn tay nhào nặn của Guardiola thực sự là một cuộc cách mạng đối với bóng đá thế giới. Lần đầu tiên thế giới túc cầu được chứng kiến một đội bóng bất khả chiến bại nhưng hầu hết là những cầu thủ 1m70. Lần đầu tiên giới quan sát được thấy một đội hình không có tiền vệ quét, người chơi thấp nhất tuyến giữa vẫn là một nhà tổ chức và điều phối. Lần đầu tiên người hâm mộ được chiêm ngưỡng một tiền đạo trung tâm có thể hình và kỹ năng của một cầu thủ chạy cánh. Khái niệm “số 9 ảo” cũng được khai sinh.

Và lần đầu tiên, thế giới được chứng kiến một lối chơi lạ lẫm chú trọng vào khâu kiểm soát bóng. Để cầm bóng, các cầu thủ 1m70 liên tục chuyền và di chuyển, đúng hơn là hoán chuyển vị trí. Đến khi hàng thủ đối phương bị kéo giãn, các ngôi sao trên hàng công lập tức xuất hiện và kết liễu. Trước Barca, người ta không chơi bóng như vậy. Hầu hết các đội đều ra sân với tư duy chân phương là bám vị trí. Barca của Pep đã phá tan tư duy cũ kỹ đó và dựng nên một hiện tượng kỳ vĩ. Barca đó vĩ đại đến nỗi có quan điểm cho rằng thầy trò Guardiola mất chứ không phải được chức vô địch Champions League.

Nhưng khi được hỏi về tiki-taka, Guardiola lại như muốn nổi khùng. “Tôi ghét cách chuyền bóng quẩn quanh, thứ gọi là tiki-taka đó. Nó chẳng có mục đích gì cả, rác rưởi mà thôi. Các cậu cần chuyền bóng với ý đồ rõ ràng, hướng thẳng tới khung thành đối phương”, vị chiến lược gia đại tài người Tây Ban Nha chia sẻ. Dĩ nhiên, vì là phát ngôn của Pep, không ai dám bảo ông điên. Chỉ có cả thế giới bóng đá điên đảo vì vị chiến lược gia này. Vậy, Pep Guardiola không sử dụng tiki-taka thì áp dụng lối đá nào?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *